Bằng đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, chàng phụ hồ Lê Mỹ Dặm (29 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã mày mò “biến” những vật dụng quen thuộc như dây điện, đũa, xiên que, móc treo đồ bỏ đi… thành vườn cây nhìn như thật. Vườn cây giả của anh nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Hãy cùng TopQuangNgai khám phá vườn cây giả như thật của anh phụ hồ này nhé!
(Nguồn: Yêu Cây Cảnh/Youtube)
Anh Lê Mỹ Dặm sinh ra và lớn lên ở miền quê Đức Thắng (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Tốt nghiệp ngành xây dựng tại một trường Cao đẳng tại Đà Nẵng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và việc làm không ổn định nên anh rời quê vào TPHCM sinh sống và lập nghiệp hơn 7 năm nay. Hiện tại anh đang theo một số người quen làm phụ hồ. Những lúc rảnh rỗi, anh Dặm theo đuổi đam mê làm cây giả.
Mô hình vườn cây giả được làm từ các vật dụng đơn giản và quen thuộc
Với đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ, chàng phụ hồ 29 tuổi đã mày mò “biến” những vật dụng quen thuộc như dây điện, đũa, xiên que, móc treo, đồ bỏ đi… thành vườn cây nhìn như thật. “Mình sử dụng vật liệu tự nhiên, đồ dùng nhà bếp và chất liệu nhân tạo để làm vườn cây. Chẳng hạn như thân tre, mình đi đào gốc rễ tranh về sơn màu tạo hiệu ứng. Phần lá hiện đại phải dùng vật liệu bền thay cho giấy. Đó là phim nhựa mỏng có bán ở tiệm văn phòng phẩm. Những vườn cây xanh thẳng, mình lấy đũa con ăn cơm và băng keo để quấn bên ngoài. Cây dừa thì có thêm một đoạn kẽm cắt ra từ móc treo đồ, đắp bằng bẹ chuối khô mình hái ngoài đường trước đó. Còn cây cà phê, mình dùng xiên que và giấy ăn để quấn, đắp bằng bột cà phê rang xay…”, anh chia sẻ.
Ý tưởng làm vườn cây giả bắt nguồn từ đâu?
Ý tưởng của anh xuất phát từ những lần đi thực tế. Trong một lần đi Bến Tre chơi, anh đặc biệt ấn tượng bởi những vườn cây, cảnh quê yên bình nơi đây. Anh quyết định làm một góc nhỏ mà nơi anh xuống để lưu lại làm kỉ niệm. Thông qua tác phẩm, anh muốn truyền tải thông điệp: Các bạn nhỏ lớn lên tại thành phố. Họ hay quên đi nét đẹp quê hương, thiên nhiên đất mẹ.
Hơn 4 tháng TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, các công trình xây dựng đang thi công phải tạm ngưng, anh mất việc. Đang lúc nhàn rỗi, cộng với những nguyên vật liệu sẵn có trong nhà, anh bắt đầu thực hiện đam mê của mình. Luôn tự nhận mình tay ngang, không qua trường lớp đào tạo, chỉ tự nghiên cứu, tìm tòi thêm trên mạng, tuy nhiên, các sản phẩm của anh lại sống động không ngờ. Hãy cùng khám phá mô hình vườn cây giả của nghệ nhân khéo tay này nhé!
“Mình là người con xa xứ, hồi ức về tuổi thơ, quê hương thúc đẩy mình thực hiện ý tưởng này”, anh Mỹ Dặm tâm sự.
“Cây bưởi này làm mất nửa tháng. Tôi phải đi lấy vỏ và lá cây thật về làm mẫu. Mỗi lá được khò nhiệt và có độ cong khác nhau như thật. Một cây không biết bao nhiêu lá. Màu nước và màu dầu được dùng để tả phần trái, dùng giấy nhám mịn tạo độ sần sùi cho vỏ trái cây rất kỳ công”, anh Dặm kể về quá trình làm cây bưởi.
Thân được làm từ dây điện quấn băng keo giấy. Vỏ cây bưởi khô tự nhiên được nghiền nát rồi đắp lên tạo bề mặt như thật. Dựa trên thực tế, anh Dặm tạo thân cây bưởi có những đốm trắng, xanh… giống như mốc.
Tạo hình một cây đu đủ như thật
Anh Dặm đang tạo dáng cho thân cây dừa từ keo dán sắt, giấy, kẽm.
Đây là công đoạn phun sơn, tạo màu cho lá dừa.
Nhẹ nhàng và chậm rãi, người nghệ nhân trẻ tạo sóng gân cho từng nhánh lá dừa.
Còn tác phẩm đu đủ, anh nghĩ ra khi ăn cơm đột nhiên đũa tre bị gãy… Anh dùng nó để làm thân đu đủ và bắt tay một lèo gần một tuần mới xong.
Theo anh, để làm một cái cây đẹp, người chơi phải bám sát thực tế. Mỗi cây anh đều tìm một chất liệu liên quan đến cây thật như bẹ chuối, xơ dừa… “Khó khăn lớn nhất khi làm là mạch cảm xúc. Tiếp đến là tìm loại vật liệu để thể hiện, phối màu diễn tả chi tiết sản phẩm. Mùa này không ra đường được, mình cũng thiếu dụng cụ để làm”, anh kể. Cây càng nhiều lá thì càng khó làm. Anh Dặm hơ lửa, uốn từng lá cho cong. Mỗi lá lại cong một kiểu khác nhau. Sau đó, anh mới dùng nhíp gắn lá vào từng cây. Trung bình mỗi sản phẩm anh đều tốn khoảng từ 1-2 tuần để hoàn thiện.
Sau nhiều ngày quan sát bụi chuối, anh phát hiện ra không thể thiếu những chiếc lá héo úa ở tầng thấp.
Đây là công đoạn tạo “rách” cho những chiếc lá chuối úa. Việc tạo lá úa tốn thời gian gấp 4 lần so với lá xanh tươi.
“Rách rồi thì phải khò nhiệt cho lá cuốn lại một tí mới ra chất héo úa”, anh Dặm lý giải.
Cuối cùng là khoác tấm áo “héo” cho chiếc lá.
Một số loại cây khác trong bộ sưu tập cây giả của anh Dặm:
“Từ trước đến nay, tôi cũng đã làm được 15-16 loại cây liên quan đến cây thuần Việt gắn liền với người dân quê. Cái khó nhất để làm ra một sản phẩm đó là mạch cảm xúc, đặc biệt phải thổi được cái hồn vào tác phẩm của mình, có như vậy nhìn cây mới sống động. Thông qua sản phẩm, mình muốn truyền tải thông điệp cho mọi người gắn bó hơn với cỏ cây, với thiên nhiên, đặc biệt là giới trẻ, các em thiếu nhi ở thành phố có hồi ức về tuổi thơ bắt đầu từ những loại cây thân thuộc…”, anh Dặm chia sẻ. Sắp tới, anh Dặm cho biết vẫn tiếp tục duy trì công việc chính là phụ hồ, thời gian rảnh rỗi buổi tối sẽ tiếp tục niềm đam mê của mình. Anh cho biết sẽ tạo thêm nhiều cây khác nữa để bổ sung vào bộ sưu tập như một cách để giải trí và thỏa mãn đam mê.
Nguồn: Tổng hợp Internet
0 Comments