Giếng Xó La – Truyền kỳ giếng “vua” không bao giờ cạn ở Lý Sơn


Quả đúng như lời một đồng nghiệp sống trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nói: “Hỏi giếng Vua, có thể có người dân trên đảo không biết, chứ hỏi giếng Xó La thì ở đây ai cũng biết!”.
Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Giếng Xó La – Giếng Vua Lý Sơn là gì?

Giếng Xó La hay còn gọi là “giếng Vua”, ở thôn Đông, xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Giếng này nằm cách bờ biển chừng 5 mét, thuộc xã An Vĩnh. Lòng giếng có đường kính hơn 1m, sâu chừng 6m, được xây bằng những viên đá cuội to xếp chồng lên nhau.

Đến Lý Sơn không thể ngó lơ ngôi giếng Xó La

Tôi đến chỗ đối diện cổng Trường THPT Lý Sơn, hỏi thăm một người dân đang ngồi dưới một tán bàng vuông rằng giếng Vua nằm ở đâu. Anh ta hỏi lại: “Giếng Xó La phải không?”.
Một thanh niên đang thi công bến tàu mới (sắp được đưa vào sử dụng) ngỏ ý có thể đi theo vì cậu ấy chuẩn bị đi lấy nước giếng Xó La về nấu ăn cho công nhân.
Từ con đường làng sát biển, nếu nhìn sang tay trái là khách sạn Mường Thanh, rẽ phải xuống khoảng chục mét gặp ngay giếng Xó La.
Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Giếng nằm cách bờ biển chỉ vài mét nhưng mạch nước lài rất trong, ngọt, mát quanh năm

Đây là ngôi giếng cổ tồn tại hàng trăm năm, nằm cách bờ biển chỉ vài mét nhưng mạch nước dồi dào và trong, ngọt, mát quanh năm. Theo cách giải thích của người dân địa phương, “Xó” là cái xó, cái hốc, do giếng nằm khuất dưới một chân dốc, cặp sát mép biển, khuất tầm nhìn, nếu không để ý thì khó thấy. “La” là cây la, một tên gọi khác của cây tra. Cây la hiện nay không còn nhiều trên đảo Lý Sơn. Địa phương đã trồng rất nhiều cây bàng vuông vì cây bàng vuông hợp thổ nhưỡng và nhất là đặc trưng hơn.

Từ mặt đất xuống mặt nước giếng chỉ khoảng 6 – 7 mét, thành giếng xếp đá cuội tròn, tạo kẽ cho mạch nước chảy vào đáy giếng. Lúc đứng bóng, nhìn xuống đáy giếng, mặt cát trắng dưới đáy giếng phản quang óng ánh. Nước giếng múc lên, uống được ngay, nước trong veo, ngọt thanh và mát rượi. Theo người dân địa phương, dẫu trời làm khô hạn thì giếng Xó La bao đời nay cũng chưa bao giờ cạn nước:

Xó La nước ngọt lại thanh
Nằm bên mé biển dập dềnh sóng xô.
(Ca dao)
Thành giếng xi măng cao khoảng 70cm là do người đời sau xây dựng lại. Chữ cổ (tương truyền là chữ Hán) trên tấm bia ngay giếng cổ đã bị vôi vữa trét lấp mất. Hiện nay, bờ biển đã cách xa giếng cổ khoảng trăm mét do người ta lấp biển thi công xây dựng bến tàu mới. Nguyên thủy, giếng chỉ cách biển vài sải tay. Anh bạn đồng nghiệp kể, ba, bốn năm trước, chiều chiều vẫn thường đánh bắt cá cạnh giếng cổ này.
Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Giếng Xó La sở dĩ còn có tên là giếng Vua vì tương truyền giếng này do vua Gia Long khi đến thăm đảo Lý Sơn gặp mùa hạn hán bèn lập đàn cầu mưa. Đêm đó nhà vua nằm mộng, được trời chỉ cho chỗ mạch nước để đào giếng. Dân gian còn có truyền thuyết khác xa xưa hơn: khi Nguyễn Ánh còn đối đầu với nhà Tây Sơn, đã nương náu tại đảo Lý Sơn, nằm mộng được thần chỉ cho chỗ đào giếng này.

Song, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban trong công trình khảo cứu Quảng Ngãi, những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà cho rằng: “Thật sự trong sử sách không thấy Nguyễn Ánh bôn tẩu đến Lý Sơn hay vua Gia Long vi hành đến đảo. Thật sự đó chỉ là giếng người Chăm đào, gặp nguồn mạch nước ngọt dồi dào nên dù nằm ven biển, nước giếng vẫn ngọt và có nước quanh năm.” Giả thiết này có sức thuyết phục vì người Chăm vốn nổi tiếng với kỹ thuật đào giếng, nhất là ở những vùng sát biển, như giếng cổ ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chẳng hạn.
Đến thăm đảo Lý Sơn mà không tham quan ngôi giếng cổ quý hiếm này, uống một ngụm nước trong lành tự tay múc lên là một thiếu sót lớn.
Nguồn: plo.vn

Giếng ‘vua’ không bao giờ cạn ở Lý Sơn được công nhận là di tích

Giếng cổ Xó La (còn gọi là giếng ‘vua’) ở Lý Sơn chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m nhưng nước luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn.
Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng
Giếng cổ Xó La ở đảo Lý Sơn

ẢNH: HIỂN CỪ

Chiều 30.8, UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với giếng Xó La nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Giếng cổ Xó La có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.

Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Giếng cổ Xó La được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh

ẢNH: HIỂN CỪ

Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có “tuổi” ít nhất là 5 thế kỷ. Tuy chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không nhiễm mặn như hầu hết các giếng nước trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, thời kỳ đỉnh điểm mùa khô trong khi hơn 1.000 giếng nước trên đảo Lý Sơn đều kiệt nguồn nước thì chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt.

Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Nước giếng cổ Xó La luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn

ẢNH: HIỂN CỪ
Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Nhiều người lấy nước giếng Xó La bán lại cho người dùng

ẢNH: HIỂN CỪ

Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm. Một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn. Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên rất có thể mạch nước giếng này có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu trên núi xuống chân núi. Nước giếng cổ Xó La luôn trong, xanh, ngọt, khi sử dụng nước giếng để pha trà, nấu rượu đều tạo nên một hương vị riêng, đậm đà và thơm. Vì thế, trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng Xó La bán lại cho người dùng.

Nguồn: thanhnien.vn

Kỳ bí giếng cổ – Giếng ‘vua’ ở Lý Sơn

Dọc vùng biển miền Trung đã và đang tồn tại nhiều giếng nước ngọt hết sức độc đáo, chỉ cách mép biển chừng vài sải tay nhưng chưa bao giờ bị nhiễm mặn.
Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng

Giếng Xó La ở Lý Sơn – Ảnh: T.Đăng

Giếng “vuông” hay “vương” ?

Có một điều chắc chắn rằng, tất cả các giếng nước được xây bằng đá rất công phu, trông cũ kỹ ấy đều là của người Chăm để lại. Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, người đã có trên 25 năm lăn lộn với văn hóa Chăm khẳng định điều đó. Theo tiến sĩ Khôi, đặc điểm dễ nhận dạng các giếng nước ấy của người Chăm là các miệng giếng đều hình vuông; riêng thân giếng có nơi hình tròn, có nơi vuông. Giếng được “kè” bằng đá xếp chồng lên nhau, đều tăm tắp. “Qua công tác điền dã và khảo cứu một số vùng ven biển miền Trung thì tôi thấy có thể do cách phát âm của người miền biển, chữ “vuông” kia được đọc lệch thành “vương”. Hơn nữa, hễ thấy điều gì bất thường, lại kỳ diệu như các giếng Chăm, dân gian thường ghép cho vua (vương) để tỏ sự tôn kính. Giếng Gia Long ở Lý Sơn là một ví dụ”, tiến sĩ Khôi phân tích. Ở làng Thanh Thủy thuộc xã Bình Hải (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng có một “giếng vua” nằm giữa làng. Vùng này còn có tên Tổng Binh – địa danh gắn liền với những cuộc duyệt binh và tập trận từ thuở cha ông ta đi mở cõi thế kỷ 15. Mùa xuân năm 1471, vua Lê Thánh Tông trong một lần chinh Nam đã đặt chân lên động Hàng Đô, tức Vạn Tường bây giờ. Dân gian vùng này ghép “giếng vua” ở làng Thanh Thủy cho vua Lê nhưng kỳ thực, đó là giếng nước của người Chăm. Những dấu tích về kiến trúc còn lại của giếng nước này đã xác nhận điều đó. Dù ở gần biển, lại là vùng đất khô hạn quanh năm nhưng chưa bao giờ “giếng vua” làng này cạn nước. Việc gọi các giếng Chăm cổ này bằng “vuông” hoặc “vương” (tức “vua”) là tùy theo quan niệm của người dân vùng đó. Nhưng có điều này thì ai cũng phải thừa nhận, đó là những giếng nước Chăm cổ đều nằm gần các thương cảng, hoặc ít ra cũng nằm cạnh các bãi biển thoáng đãng, thuận lợi cho những người buôn bán hải sản hoặc trao đổi các loại hàng hóa giữa giới thương hồ với người dân bản địa. Những thương thuyền vượt đại dương vẫn ghé vào các cảng biển hoặc làng chài để trao đổi hàng hóa, đặc biệt là tiếp thêm nước ngọt cho những chuyến hải hành dài ngày. Nước ngọt từ các giếng Chăm xưa là sự lựa chọn trước tiên của các con tàu xuyên đại dương này. Theo thời gian, các “giếng vương” được đắp bồi thêm sự huyền nhiệm qua những câu chuyện nửa hư nửa thực. Giếng Xó La ở Lý Sơn cũng được người dân ở hòn đảo này thêu dệt quanh nó bao câu chuyện kỳ bí mà người đời sau không thể giải mã được.

“Nước thánh nước thần”

Ông Võ Văn Toại (80 tuổi), một trong hai người chuyên làm “hình nhân thế mạng” để chôn trong các ngôi mộ gió ở Lý Sơn, nói rằng chỉ có thể gọi đó là “nước thánh nước thần” mới có thể lý giải được vì sao cách mép nước biển có vài sải tay mà giếng Xó La chưa bao giờ nhiễm mặn, cũng chưa bao giờ cạn nước, kể cả những năm đỉnh hạn. Từ Trường THPT Lý Sơn đi về hướng nam chừng 300 m sẽ gặp giếng nước này. Giếng nằm ngay sát mép biển. Theo trí nhớ của ông Toại, cách đây chừng 50 – 60 năm, chỗ mép biển này là một bãi cát rất sạch sẽ. Tàu bè đi biển dài ngày vẫn thường ghé lại lấy nước ngọt từ giếng Xó La. Bãi cát giờ bị xâm thực song giếng nước thì vẫn như xưa. Những năm đỉnh hạn, tất cả các giếng nước trên đảo Lý Sơn bị nhiễm mặn, riêng giếng Xó La thì không. Người dân khắp đảo đến đây lấy nước về dùng. Họ mang can, thùng chen nhau múc nước, không khác nào đi lấy nước thánh. Quan sát địa thế thì rất khó lý giải vì sao người Chăm lại chọn vị trí này để đào giếng. Đó là một dải đất bình thường như bao chỗ khác ở Lý Sơn nhưng chỉ ở đây mạch nước ngầm mới phong phú đến vậy. Để xây giếng nước này, người Chăm đã xếp các lớp đá chồng lên nhau mà không gắn kết bất cứ một lớp vôi vữa nào. Giữa các lớp đá là những khe nhỏ, nước đã theo khe này để chảy ra giếng. Kỹ thuật xếp đá như thế là một cách “lọc nước” tự nhiên vậy. Nhưng sự bí ẩn nằm ở chỗ, chủ nhân của giếng nước đã nhìn xuyên lớp địa chất để có thể “thấy” được mạch nước ngầm đang vận hành bên dưới. Sự phong phú của mạch nước ngầm vô tận ấy đã thành đề tài để người dân Lý Sơn thêu dệt quanh giếng nước này nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Họ bảo đây là giếng Gia Long với sự tích gắn liền cùng vị vua này khi lâm nạn. Lúc đã cạn quân lương, nước cũng không còn giọt nào, đào khắp đảo chẳng có nước thì đêm đó ông nằm mơ thấy có người chỉ chỗ đào giếng. Sáng ra, ông cho quân sĩ đào ngay vị trí này. Thế là thành giếng nước. Thực tế thì chưa bao giờ Nguyễn Ánh đặt chân lên đảo Lý Sơn cả. Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng có lần ghé Lý Sơn và quan sát giếng nước này. Ông nói cái tên Xó La đích thị là tiếng Chăm vì ngoài tên giếng, Xó La không chỉ một địa danh nào khác ở Lý Sơn. Cách giếng Xó La chừng vài cây số là di chỉ khảo cổ học Suối Chình với nhiều hiện vật giá trị có niên đại khoảng 2.000 năm. Các hiện vật ấy đã cho hậu thế biết rằng, từ xa xưa, con người đã có mặt trên đảo Lý Sơn. Các “giếng vương” là một phần di sản độc đáo của tiền nhân trên hòn đảo xinh đẹp này.

Nguồn: thanhnien.vn

Huyền thoại giếng Vua ở Lý Sơn

Ở huyện đảo Lý Sơn, vào những ngày hè nắng nóng, khi các giếng nước sinh hoạt đều khô hoặc nhiễm mặn, người dân nơi đây vẫn yên tâm vì có nước ngọt để dùng từ một giếng nước đặc biệt-Giếng Vua (còn gọi là giếng cổ Xó La). Giếng cách mép biển chừng 5m nhưng lúc nào cũng đầy ắp nước ngọt và trong vắt. Nền giếng hình chữ nhật, diện tích 46m2. Giếng sâu khoảng 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi-măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Theo các bậc cao niên ở Lý Sơn, giếng Vua gắn liền với nhiều huyền thoại.

Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng
Hàng trăm năm qua, giếng Vua đã giúp hàng ngàn hộ dân vượt qua cơn khát, ngay cả đỉnh điểm của mùa khô.

Theo sử sách ghi lại, hàng trăm năm trước, khi Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) và một số tướng sỹ bị quân Tây Sơn truy đuổi đã giong thuyền ra đảo Lý Sơn lánh nạn. Vào mùa nắng hạn, trên đảo cây cối đều héo rũ vì thiếu nước. Nước sinh hoạt mang theo trên các chiến thuyền đều cạn kiệt. Vì phải nhường những giọt nước quý giá cho Vua nên một số tướng sĩ lả đi vì khát. Trước tình cảnh đó, Vua Gia Long đã lệnh cho quân sĩ    đào giếng tìm kiếm nguồn nước ngọt. Hàng trăm giếng nước được đào khắp đảo nhưng không phát hiện có mạch nước ngầm. Bất lực nhìn tướng sĩ lả dần vì thiếu nước uống, Vua Gia Long khấn cầu thần linh phù hộ mau tìm được nguồn nước ngọt để cứu mọi người. Một đêm, Vua Gia Long được Tiên Ông báo mộng và giếng Xó La được đào đắp theo chỉ dẫn. Điều kỳ lạ là ngay khi vừa đặt nhát cuốc đầu tiên, nguồn nước trong vắt từ lòng đất đã tuôn trào. Cho rằng đây là “Giếng Thần” nên trước khi rời khỏi đảo, Vua Gia Long đã ra lệnh cho người dân trên đảo phải giữ gìn giếng này. Từ đó giếng có tên gọi là giếng Vua.

Cũng có giả thuyết cho rằng, giếng nước này xuất hiện thời vương quốc Chăm (khoảng thế kỷ XV). Người Chăm sống tập trung ở khu vực ven biển, hải đảo, giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho các thương thuyền đi lại dọc theo ven biển. Khi người Việt đến, các giếng này vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay… Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm. Một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn. Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên rất có thể mạch nước giếng này có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu trên núi xuống chân núi.

Giếng Xó La - Truyền kỳ giếng
Giếng Vua hay còn gọi là giếng Xó La.

Về nguồn gốc giếng nước thì hư hư thực thực với nhiều truyền thuyết nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là hàng trăm năm qua, sự có mặt của giếng Vua đã giúp hàng ngàn hộ dân vượt qua cơn khát, bởi có thời điểm, huyện đảo ba tháng ròng rã không có một hạt mưa. Ông Phạm Thoại Tuyền, ở thôn Đông, xã An Vĩnh-là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh cai đội Phạm Hữu Nhật-Chánh cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là người chuyên sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử ở huyện Lý Sơn, từng gắn bó với đảo gần 70 năm nay cho biết: Trên toàn đảo Lớn của huyện đảo Lý Sơn hiện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng một nửa giếng nước ăn; số còn lại chỉ dùng để tắm giặt, tưới hoa màu. Cũng có chừng mươi giếng có nước ngon trên đảo, nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Vua là còn nước ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tuyến kè chắn sóng Đông Nam trên đảo triển khai thi công thì cả khu vực này đã bị đào bới tan hoang, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên trong khu vực giếng Vua, đồng thời, tác động xấu đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt, giếng Vua còn là nguồn sống của nhiều người dân nghèo ở đảo Lý Sơn. Vào mùa nắng hạn, khi nước ngọt trên đảo bắt đầu khô cạn, xâm mặn là lúc người nghèo đổ về giếng Vua gánh nước đi bán. Hơn 7 năm làm phu nước, anh Mai Thu (45 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh), cho biết, vào thời điểm nắng dữ dội, nhu cầu sử dụng nước tăng thì phải đi gánh từ lúc 1 – 2 giờ sáng. Vào những ngày hè, anh kiếm được trung bình từ 80-100 ngàn đồng/ngày. “Nước ở đây vừa ngọt, vừa sạch, pha trà rất ngon nên nhiều nhà hàng thuê gánh quanh năm. Vào mùa hè thì chủ yếu phục vụ cho người dân trong vùng. Công việc tuy nặng nhọc nhưng không gò bó, lại có thu nhập khá nên lượng người gánh nước thuê ngày càng tăng”- anh Thu chia sẻ.

Đối với người dân huyện đảo Lý Sơn, giếng Vua giống như một bầu sữa quý giá giữa trùng khơi. Trong xu hướng ngày càng sa mạc hóa ở hòn đảo này, việc bảo tồn và gìn giữ nguồn nước của giếng Vua là hết sức cấp thiết. Trong tháng 8- 2017, Giếng Vua đã được công nhận là di tích cấp tỉnh nhưng điều đáng buồn là khi đến đây, chỉ vỏn vẹn một tấm bảng chỉ dẫn đơn sơ, không có một bảng thông tin về di tích, hơn nữa khu vực quanh giếng không được chăm sóc, giữ gìn nên rất bẩn, hôi thối, cỏ mọc um tùm. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên dành một phần công sức để tôn tạo lại di tích này, vừa giữ gìn văn hóa, một điểm đến cho du khách thập phương.

Nguồn: cadn.com.vn

Bạn muốn đưa doanh nghiệp, cửa hàng, địa chỉ, shop,.. của mình vào bài viết này. Hoặc muốn đặt banner quảng cáo, vui lòng liên hệ: 082.2222.176 hoặc email info@topquangngai.vn



Hãy chia sẻ bài viết này nếu thấy hay!

5/51 rating
180 chia sẻ, 180 điểm

0 Comments

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Send this to a friend