Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Người con ưu tú của Quảng Ngãi


94 tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước, mang nhiệt huyết, tài năng và trí tuệ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Tiểu sử Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi

Đồng chí Phạm Văn Đồng, bí danh là Tô, sinh ngày 1/3/1906 trong một gia đình công chức tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí mất ngày 29/4/2000, tại Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Đồng chí Phạm Văn Đồng, bí danh là Tô, sinh ngày 1/3/1906

Ngay từ thuở nhỏ, “anh Tô” đã tiếp thu truyền thống văn hóa của gia đình và quê hương, trau dồi kiến thức về văn hóa, lịch sử,… Ông theo học trường Quốc học Huế. Ông sớm có năng khiếu học tiếng Pháp. Nhờ đó, ông có thể nắm bắt nền tảng văn học-triết học Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.

Năm 1925, ông tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên khi Phan Châu Trinh mất. Năm 1926, ông sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng do Hồ Chí Minh tổ chức rồi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Nam Kỳ, rồi vào Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 7/1929, thực dân Pháp bắt ông và kết án đi đầy 10 năm tù ở Côn Đảo.

Năm 1936, sau khi ra tù, Phạm Văn Đồng hoạt động ở Hà Nội. Năm 1940, ông bí mật sang Trung Quốc cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được Bác giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ địa gần biên giới Việt – Trung.

Năm 1945, tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, Phạm Văn Đồng được bầu vào Ủy ban Thường trực gồm 5 người thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Gần một thế kỷ của cuộc đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tận lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Người học trò xuất sắc, cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi còn là một thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông đã tìm hiểu tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh thông qua sách báo lúc bấy giờ như báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Tạp chí thư tín quốc tế”,…

Năm 1926, đồng chí được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Bác Phạm Văn Đồng đã được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đầu năm 1940, khi chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng những nhiệm vụ quan trọng. Cũng từ đây, bắt đầu một thời kỳ dài gần 30 năm (cho tới khi Bác mất), đồng chí Phạm Văn Đồng thường xuyên làm việc bên Bác, theo sự chỉ dẫn và phân công của Người.

Là một trong những cán bộ tiền bối, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác Hồ. Đồng chí thể hiện những phẩm chất cao quý của một người cộng sản trung kiên, mẫu mực, đó là đức tính: Tận trung với nước, tận hiếu với dân; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; chống quan liêu, tham ô, lãng phí; nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, nhân cách; có tấm lòng nhân ái, bao dung…

Người cộng sản kiên cường, mẫu mực, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Trong suốt 15 năm đầu đi theo con đường cách mạng (1926 – 1940), đồng chí luôn vượt qua mọi khó khăn, gian nguy, mang tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng với niềm tin sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ đến tháng 1/1949, đồng chí Phạm Văn Đồng là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Đồng chí đã có những cống hiến và sáng tạo trong việc xây dựng vùng tự do Nam – Ngãi – Bình – Phú; xây dựng và củng cố căn cứ địa kháng chiến; thực hiện khẩu hiệu tự lực cánh sinh; chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ;… Đồng chí còn chỉ đạo việc thành lập và trực tiếp giảng dạy tại Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Người cộng sản kiên cường, mẫu mực

Khoảng tháng 2/1949, đồng chí được điều động trở lại công tác tại Việt Bắc được bổ sung làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 1951 – 1986, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.

Từ năm 1955 – 1987, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng trong những năm 1954 – 1955.

Trong thời gian từ 1986 – 1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giữ cách sống mẫu mực của một Đảng viên Cộng sản chân chính theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5/1999, đồng chí gửi đến Tạp chí Cộng sản bài viết “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Bài viết đã gây được sự chú ý của dư luận trong những ngày đầu cuộc vận động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VI (lần 2).

Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước

Trong 2 cuộc kháng chiến cứu quốc, trên cương vị Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tổ chức bộ máy Nhà nước hiệu quả, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân; huy động sức người, sức của cho kháng chiến; tăng cường sức mạnh và sự an toàn hậu phương của chiến tranh; tổ chức tốt công tác chi viện cho tiền tuyến.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã chỉ đạo cho cán bộ đi khảo sát “khoán chui” trong nông nghiệp ở Hải Phòng. Cũng thời gian này, đồng chí đã đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp mới trong cơ chế sản xuất công nghiệp và từng bước tổng kết. Từ đó đã ra đời các Quyết định 25/CP và 26/CP của Chính phủ, mở ra cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Đó là những bước đầu của tư tưởng đổi mới.

Những năm 1976 – 1985, ở cương vị lãnh đạo, xây dựng nền kinh tế trên phạm vi cả nước, đồng chí đã lo tập trung giải quyết những vấn đề trọng yếu, cấp thiết của đất nước ở tầm vĩ mô nhằm thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực đối ngoại, đồng chí là một nhà ngoại giao tài năng, có uy tín lớn trên thế giới. Đồng chí là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều Hội nghị quốc tế, giải quyết những vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn liên quan đến nhiều nước, nhiều phong trào ở khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Fontainebleau (1946), Hội nghị Geneva (1954), Hội nghị các nước Á – Phi họp ở Indonesia (1955), các Hội nghị cấp cao của Phong trào không liên kết…

Trí tuệ ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua các giai đoạn lịch sử

Không chỉ là nhà lãnh đạo tài năng, nhà văn hóa lớn của đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn là nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng, Nhà nước, được bạn bè quốc tế kính phục.

Trí tuệ ngoại giao Phạm Văn Đồng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954)

Từ 1946 – 1954, đồng chí Phạm Văn Đồng bắt đầu nhận nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang tham dự Hội nghị Fontainebleau (Pháp) vào ngày 31-5-1946. Kể từ đây, đồng chí Phạm Văn Đồng chính thức đảm trách nhiệm vụ của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, là người thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng và ký kết nhiều văn bản ngoại giao lịch sử.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Ngày 4-5-1954, Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Geneva (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương_Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị Fontainebleau, Trưởng phái đoàn Pháp Max André đã đọc diễn văn khai mạc. Với cương vị là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nỗ lực bảo vệ lợi ích tối đa của nhà nước cộng hòa non trẻ.

Với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam bước vào hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng.

Trí tuệ ngoại giao Phạm Văn Đồng trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 – 1975)

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo Chính phủ thực hiện hai chiến lược cách mạng hai miền: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

  • Có những chuyến thăm các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu; tiến hành đàm phán, đề nghị viện trợ, giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục kinh tế và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Mặt khác, chúng ta đã xác lập được mối quan hệ hữu nghị mật thiết với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
  • Dành nhiều công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ cấu lại bộ máy Bộ ngoại giao và hoạt động đối ngoại.
  • Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng vừa trực tiếp đảm trách nhiệm vụ đại diện của Chính phủ Việt Nam trong các hội nghị quốc tế quan trọng, đồng thời có những đóng góp lớn trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15-9-1973_Ảnh: TTXVN

Ngay từ tháng 4 – 1955, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao các nước Á – Phi ở thành phố Bandung (Indonesia). Với tài năng và những hoạt động tích cực tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thu hút sự chú ý của các nước thuộc thế giới thứ ba, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam. Kể từ đây, cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của phong trào các nước không liên kết, nhất là các nước Á – Phi và Mỹ Latin.

Trí tuệ ngoại giao Phạm Văn Đồng trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 – 1987)

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam đi thăm và cảm ơn nhân dân các nước anh em và bạn bè trên thế giới.

Trong thời gian từ năm 1975 đến Đại hội V của Đảng (năm 1982), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn nhằm “ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật, củng cố quốc phòng…; đồng thời tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Ngày 4-11-1978, tại Điện Kremlin ở Thủ đô Moskva, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô L.I.Brezhnev ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Liên Xô, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước_Ảnh: TTXVN

Theo đó, Việt Nam đã gia nhập Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977 và gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) vào ngày 27/6/1978.

Sau khi nghỉ hưu từ năm 1987, với vai trò cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn có những đóng góp tích cực và quý báu cho ngành ngoại giao, nhất là trong công tác tổng kết và dự báo, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy ngoại giao sắc bén.

Chuyện cảm động về gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Làm việc cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi, đến khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời vào năm 2000, nhà thơ Việt Phương đã có 53 năm làm thư ký. Trong 53 năm ấy, có nhiều câu chuyện về Thủ tướng mà nhà thơ Việt Phương luôn nguyện mang theo suốt cuộc đời. Nhà thơ Việt Phương luôn khẳng định một điều: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhân cách lớn, là một người đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cách làm người”.

Tình yêu với người vợ bệnh tật

Khi nhắc về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Phương vẫn luôn nói với tất cả sự trìu mến và trân trọng: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng không bao giờ làm thơ. Nhưng ông đã sống một cuộc đời rất thơ”.

Phu nhân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là bà Phạm Thị Cúc, một người con gái Hà Nội. Khi mới nên nghĩa vợ chồng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng hứa với vợ, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa bà đi cùng. Nhưng sau này vì nhiệm vụ cách mạng, ông đã không giữ được lời hứa của mình với người vợ hiền.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Lễ thành hôn của ông Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc (năm 1946). Ảnh tư liệu.

Sau này, vì thương nhớ chồng, vượt Trường Sơn ra Bắc vào Nam, bà đã sinh bệnh nửa quên nửa nhớ. Mặc dù Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa bà đi chữa bệnh ở cả Trung Quốc, Liên Xô nhưng bệnh tình của bà vẫn không hề thuyên giảm.

Năm 1951, con trai ông bà ra đời khi bệnh tình của bà bắt đầu có xu hướng nặng lên, ông đặt tên con là Phạm Sơn Dương và đưa con vào Phủ Chủ tịch sống, còn bà thì sống ở căn biệt thự trên phố Khúc Hạo. Ngày đó, một tuần vài lần, ông đều đưa con trai đến căn biệt thự trên phố Khúc Hạo thăm bà. Lần nào đến thăm vợ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói chuyện với vợ rất dịu dàng. Ông thường ngồi bên giường bệnh của bà, khi thì nắm tay bà thật âu yếm, khi thì ngồi chải lại mái tóc cho bà.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một người hết mực yêu thương vợ. Ông yêu bà và muốn trọn vẹn tình nghĩa với bà nên đã quyết định ở bên bà và chăm sóc bà. Lúc nào, ông cũng dặn con trai mình phải thường xuyên quan tâm và yêu thương mẹ.

Những ngày bận bịu công việc không qua Khúc Hạo được, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường dặn con trai Phạm Sơn Dương qua trò chuyện với mẹ. Mỗi lần như thế, ông đều gửi tặng bà những món quà nho nhỏ, cốt để bà vui.

Dạy con sống giản dị, khiêm tốn

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một người con trai duy nhất là Thiếu tướng Phạm Sơn Dương. Đó là kết quả của tình yêu giữa ông và bà Phạm Thị Cúc. Vì bận bịu công việc của đất nước nên khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải nhờ thầy giáo Vũ Linh (em vợ của nhà thơ Việt Phương) vào sống cùng tại Phủ Chủ tịch để vừa lo việc dạy dỗ, bảo ban vừa lo việc học cho Phạm Sơn Dương.

Nhà thơ Việt Phương kể, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuy yêu thương con trai nhưng cũng rất nghiêm khắc với con. Lúc sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người ăn uống rất giản dị nên con trai ông cũng quen với nếp sinh hoạt giản dị như thế từ bé.

Là con trai của Thủ tướng đương nhiệm khi đó nên khi bước vào tuổi trưởng thành, Phạm Sơn Dương nhận được không ít lời đề nghị cấp học bổng của các nước bạn, nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ chối tất cả những lời đề nghị đó. Ông không muốn con trai mình hưởng đặc quyền đặc lợi mà yêu cầu con trai mình phải tự rèn luyện bản thân. Vì thế, thay vì cho con đi học nước ngoài, ông quyết định cho con vào quân đội.

Trước khi qua đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dặn dò con trai duy nhất của mình: “Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ để lại một sự nghiệp để tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta”.

Mối thân tình giữa Thủ tướng và người thư ký 53 năm

Nhà thơ Việt Phương làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt 53 năm. Vì thế, tình cảm giữa Việt Phương và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng vô cùng sâu đậm. Các con của Việt Phương cũng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hết sức yêu quý.

Không ít bữa cơm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa con của nhà thơ Việt Phương đi dùng cơm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một kỷ niệm đẹp và vô cùng đáng quý với gia đình nhà thơ Việt Phương.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất thân thiết với vợ chồng nhà thơ Việt Phương. Nhà thơ Việt Phương là thư ký cho Thủ tướng. Còn vợ ông là em gái nuôi của Thủ tướng. Đôi lúc vì áp lực công việc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có thể nổi cáu. Và người duy nhất có thể làm ông nguôi cơn giận ngay lập tức mà không vì bất cứ lý do gì chính là nhà thơ Việt Phương.

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm sát Quốc lộ 1, cách thành phố Quảng Ngãi 20 km về phía Nam. Khu lưu niệm được xây dựng từ ngôi nhà của ông bà Phạm Văn Nga – Phạm Thị Thuần, song thân của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Năm 2006, Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư, tôn tạo Khu lưu niệm cố Thủ tướng ở khu vực phía đông ngôi nhà cũ. Năm 2008, Khu lưu niệm hoàn thành và được đưa vào sử dụng với diện tích 2 ha, gồm các hạng mục nhà đón khách, phòng chiếu phim, nhà trưng bày, tủ sách lưu giữ các tác phẩm của cố Thủ tướng, sân vườn, đường nội bộ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi

Khu lưu niệm hiện còn lưu giữ được nhiều kỷ vật của gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như án thờ, tràng kỷ, án thư, phản… Tại nhà trưng bày, ngoài những hiện vật được tỉnh Quảng Ngãi sưu tầm từ trước, còn có gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng do Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Thư viện quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia trao tặng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Khu lưu niệm hiện còn lưu giữ được nhiều kỷ vật của gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đặc biệt, khu lưu niệm còn trưng bày nhiều hình ảnh thể hiện tình cảm của cố Thủ tướng đối với quê nhà Mộ Đức, Quảng Ngãi cũng như tình cảm của nhân dân xứ Quảng đối với cố Thủ tướng. Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 2006.

Tổng hợp các hình ảnh về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Geneva năm 1954 với cương vị Phó Thủ tướng. (Ảnh: Võ Năng An/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sỹ công an nhân dân trong dịp ngành Công an đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 5/1/1980. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Ông Phạm Văn Đồng và Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự Hội nghị Geneva năm 1954. (Ảnh: Võ Năng An/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm xưởng sản xuất vật liệu xây dựng của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1969. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm phòng ảnh của Phân xã nhiếp ảnh (Thông tấn xã Việt Nam). (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hỏi các chiến sỹ tự vệ Đài phát thanh Mễ Trì, vùng bị máy bay Mỹ bắn phá, ngày 30/12/1972. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thị sát ruộng lúa năng suất cao của nhân dân xã Hải Anh, huyện Hải Châu, tỉnh Nam Hà tháng 6/1969. (Ảnh: Đức Như/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thị sát đồng ruộng của nhân dân huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây tháng 7/1971. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm một đơn vị bộ đội Hải quân tháng 1/1980. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm công trường xây dựng nhà máy ximăng Hoàng Thạch tháng 1/1980. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thả viên đá tượng trưng, mở đầu cho ngày hội ngăn sông Đà để xây dựng Nhà máy thủy điện Hoà Bình ngày 9/1/1986. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người con ưu tú của Quảng Ngãi
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm các chiến sỹ lão thành cách mạng và gia đình cơ sở cách mạng tỉnh Cao Bằng, Tết Nhâm Tuất 1982. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Gần một thế kỷ của cuộc đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tận lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế yêu mến và kính trọng. Cảm ơn các bạn theo dõi và đừng quên cập nhật các bài viết hay của TopQuangNgai tại Fanpage nhé!

Nguồn: Topquangngai.vn/ Vtv.vn/ https://tinhdoan.quangngai.gov.vn/ https://www.tapchicongsan.org.vn/

Bạn muốn đưa doanh nghiệp, cửa hàng, địa chỉ, shop,.. của mình vào bài viết này. Hoặc muốn đặt banner quảng cáo, vui lòng liên hệ: 082.2222.176 hoặc email info@topquangngai.vn



, , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

Hãy chia sẻ bài viết này nếu thấy hay!

5/58 đánh giá
177 chia sẻ, 177 điểm

0 Comments

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Send this to a friend