Sông Trà Khúc chảy qua lòng thành phố Quảng Ngãi không chỉ là dòng chảy tự nhiên mang đến vẻ đẹp, sự phong phú về đa dạng sinh học, mà còn là linh hồn của cộng đồng người dân nơi đây. Đặc biệt, bờ xe nước Quảng Ngãi, một điểm đặc trưng nằm dọc theo dòng sông, đã trở thành biểu tượng không thể tách rời từ cuộc sống địa phương. Bài viết này, thông qua di sản ảnh, sẽ là chuyến hành trình khám phá vẻ đẹp, sự yên bình và thấm đẫm nét văn hóa của bờ xe nước Quảng Ngãi trên sông Trà Khúc.
Bờ xe nước Quảng Ngãi ra đời từ khi nào?
Bờ xe nước ra đời từ mấy thế kỷ trước, thể hiện sức sáng tạo của cộng đồng dân cư gắn liền với nông nghiệp. Theo tài liệu Địa dư xứ Đông Dương thì “bờ xe nước du nhập từ Trung Quốc, theo đường bộ vào miền Bắc, theo đường biển vào miền Trung. Xe nước xuất hiện ở Quảng Ngãi khoảng giữa thế kỷ 18 đến Quảng Nam và Bình Định đầu thế kỷ 20”.
Quảng Ngãi là nơi có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn, tập trung ở sông Vệ và sông Trà. Năm 1960, trên hai dòng sông này có đến 110 bờ xe nước, đảm bảo nguồn nước tưới cho 4.500ha ruộng lúa và tô điểm cho vẻ đẹp của dòng sông.
Bờ xe nước để làm gì? Hoạt động như thế nào?
Nhờ sức nước, dòng chảy của các con sông hoặc sức người, bờ xe nước tự động vận hành suốt ngày đêm, đưa nước vào các kênh mương, rồi tự chảy vào đồng ruộng. Tuy nhiên, ruộng có chỗ cao chỗ thấp, nước không thể chảy vào đều khắp được.
Để phân phối nước cho đều, nhất là các thửa ruộng ở vị trí cao hơn thì người nông dân dùng gàu sòng, gàu giai tát nước hay xe lùa dẫn nước đến tận nơi. Những bờ xe nước có thể tưới tắm cho hàng ngàn mẫu ruộng. Nó không những tưới tiêu các vụ mùa mà còn là nơi nuôi cá cung cấp nguồn hải sản cho người dân.
Vật liệu làm bờ xe nước
Thường sau mùa mưa bão, trong làng cử những lực điền lên núi tìm vật liệu về để làm bờ xe nước. Vật liệu làm bờ xe nước chủ yếu là tre kèm theo những loại cây chắc, suôn dài, chủ yếu là lim, chò và những loại dây rừng như dây chạc chìu, dây chim chim, song mây…
Tùy theo cánh đồng lớn hay nhỏ mà người làm bờ xe nước tính toán vật liệu, công sức để thiết kế, xây dựng. Cánh đồng lớn có thể đặt nhiều guồng, mỗi guồng gồm nhiều bánh xe nước; cánh đồng nhỏ thì bố trí một guồng nước chỉ với một vài bánh xe nước.
Để làm một bờ xe nước có 9 hoặc 10 bánh, mỗi bánh xe có đường kính 4m, tưới cho khoảng 70ha, phải mất 4.000 – 5.000 cây tre và vô số dây rừng. Một công trình như thế người thợ làm guồng nước phải mất vài tháng, thậm chí gần cả năm trời.
Người sáng tạo bờ xe nước phải có nhiều kinh nghiệm, khéo tay để khi vận hành, bánh xe nước không bị lỗi kỹ thuật, quay vòng đều, dùng sức nước đưa nước lên đồng ruộng.
Từ năm 1926, người Pháp cũng đã có những nghiên cứu rất sâu về thiết kế độc đáo này. Vào thời điểm đó họ đã thống kê trên toàn nước ta có khoảng 1.000 guồng/bờ xe nước loại đơn và loại kép.
Bờ xe nước Quảng Ngãi trong di sản ảnh
Trước đây, đi dọc quốc lộ, khi qua cầu Câu Lâu, Trà Khúc, Nam Ô… người ta đều nhìn thấy hình ảnh rất quen thuộc và khá đẹp mắt là những bờ xe nước đặt dưới mé sông.
Trong kho tàng di sản ảnh vẫn còn lưu giữ khá nhiều bức ảnh tư liệu về bờ xe nước, guồng nước. Các nhà nhiếp ảnh tiền bối, nhất là các nhiếp ảnh gia người Pháp đã để lại cho hậu thế bộ sưu tập ảnh về các loại bờ xe nước mà người nông dân miền Trung sáng chế.
Đó là các loại bờ xe nước đơn chỉ một bánh xe nước, đặc biệt là loại kép khá quy mô với một loạt bánh xe nước kế tiếp nhau. Lại có loại không dùng sức nước mà phải dùng sức người để làm chuyển động bánh xe quạt nước vào máng, đưa nước lên đồng ruộng, dân gian gọi là xe đạp nước.
Năm 1902, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils đã chụp một số bức ảnh khá đẹp về loại bờ xe nước đơn dùng sức người đạp nước. Loại xe đạp nước này, nhỏ thì hai người đạp, lớn thì có 4 – 5 người leo lên phía trên để cùng đạp nước. Những bức ảnh này được tác giả chụp ở một con sông xứ Quảng, chú thích địa danh trong các bưu thiếp là Tourane.
Năm 1904, cũng nhà nhiếp ảnh này chụp một bức ảnh bờ xe nước loại đơn bố trí liền kề nhau trên một con sông ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Bức ảnh cho thấy bờ xe nước đang hoạt động, nước chảy vào cái máng và theo các ống tre dài dẫn nước vào đồng ruộng. Có thể đây là những bức ảnh chụp về chủ đề bờ xe nước sớm nhất ở miền Trung nước ta.
Nhà nhiếp ảnh Réne Tetard cũng đã để lại trong bộ sưu tập ảnh của mình một bức ảnh khá độc đáo đặt tên là “Máy tát nước”, ảnh chụp trên sông Trà Khúc, Quảng Ngãi vào năm 1921. Bức ảnh chụp khá rõ nét, cho thấy bờ xe nước khá quy mô gồm hơn 10 bánh xe nước to nằm trên một mặt sông rộng lớn. Bức ảnh đã được nhà xuất bản bưu thiếp mang tên Hương Ký (Hà Nội) in và phát hành với số lượng lớn.
Một công việc thường xuyên của người nông dân thời bấy giờ, gắn liền với bờ xe nước là tát nước để đưa nước vào đồng ruộng. Nó đã đi vào dân ca, thơ ca dân gian với hình tượng “tát nước đêm trăng” đầy lãng mạn và thơ mộng. Hình ảnh người nông dân tát nước gàu giai, gàu sòng cũng đi vào nhạc, họa, nhiếp ảnh. Một số nhà nhiếp ảnh đã để lại cho đời các tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị tư liệu cao với chủ đề về bờ xe nước và tát nước.Bức ảnh “Tát nước” của Trương Trừng (Hội An), từng đoạt Giải nhất cuộc thi ảnh do Toàn quyền Đông Dương tổ chức năm 1940. Tác phẩm này được in trên tờ giấy bạc Đông Dương. Đây là một trong những bức ảnh nghệ thuật độc đáo, có bố cục cân xứng, ghi lại khoảnh khắc 6 người nông dân hợp sức tác nước gàu 3 đưa nước vào đồng lúa. Bức ảnh được lưu giữ và trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ và triển lãm nhiếp ảnh quốc gia trực thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh cũng đã chụp được một số bức ảnh khá ấn tượng về guồng nước trên sông Trà Khúc. Bức ảnh được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Quảng Ngãi, được giới thiệu trên một số ấn phẩm.
Níu giữ hồn xưa
Ngày nay bờ xe nước không còn hiện diện trong đời sống, canh tác của người nông dân xứ Quảng. Nó được thay bằng hệ thống thủy lợi tiên tiến. Những công cụ lao động một thời gắn bó với nhà nông giờ thành hiện vật trong các bảo tàng. Cũng chính vì vậy, những bức ảnh bờ xe nước một thời trên sông Thu Bồn, Vu Gia, Trà Khúc… trở thành tư liệu độc đáo và càng có giá trị theo thời gian.
Một số nơi đã phục hồi bờ xe nước mi ni để trưng bày tại các khu resort, khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê,… tỉnh Quảng Ngãi, quê hương của những bờ xe nước quy mô, hoành tráng một thời cũng có ý định phục dựng nó bên sông Trà Khúc để tạo cảnh quan, môi trường.
Hiện nay người ta làm những mô hình bờ xe thu nhỏ, đường kính từ 2 – 4m. Mỗi bờ xe có từ 2 – 4 bánh, tùy theo khách hàng đặt về trưng bày ở đâu.
Xưa kia, các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc bằng dây rừng, còn hiện tại khi làm bờ xe nước mô hình thì sử dụng dây kẽm, dây đồng, cước để kết các chi tiết bằng tre của bánh xe nước lại với nhau, rồi phủ thêm lớp sơn màu bạc bên ngoài nhằm tăng tuổi thọ. Công đoạn khó nhất khi làm một bánh xe nước là làm bánh cho cân bằng để khi vận hành không bị lỗi, quay vòng trơn tru.
Tổng hợp một số hình ảnh và video Bờ Xe Nước Quảng Ngãi
Như vậy, thông qua bài viết trên bạn đọc đã có cái nhìn tổng quan về hình ảnh bờ xe nước – biểu tượng xưa cũ của Quảng Ngãi nói riêng, Việt Nam nói chung. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của TopQuangNgai và hẹn gặp lại ở những chủ đề tiếp theo.
Nguồn: Sưu tầm Internet
0 Comments