Những năm 1859 – 1864, ở Nam Kỳ đã nổi lên các trung tâm kháng chiến: Trương Định ở Gò Công; Trần Xuân Hòa ở Mỹ Tho; Nguyễn Trung Trực ở Tân An; Vũ Duy Dương (Thiên hộ Dương) ở Đồng Tháp Mười; Quản Là ở Tây Ninh,… Trong đó, cuộc khởi nghĩa Trương Định là lớn nhất lúc bấy giờ.
Trương Định đã được người đời biết đến không chỉ là một nhà chỉ huy sắc sảo, thông binh thư, giỏi võ nghệ, mà còn biết trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ. Ông được nhân dân và binh sĩ tôn kính.Ông được suy tôn là Trung Thiên tướng quân hay Bình Tây Đại Nguyên Soái – vị anh hùng của dân tộc.
Thân thế anh hùng dân tộc quê Quảng Ngãi
Trương Định còn có tên gọi khác là Trương Công Định. Ông sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.
Ngay từ thuở nhỏ, ông đã bộc lộ là cậu bé thông minh, hiếu động, đam mê võ nghệ. Ông sớm ý thức được tình yêu quê hương và xác định hướng đi cho riêng mình là đánh đuổi giặc, giữ bình yên cho đất nước.
Năm 1844, ông theo cha vào Nam. Sau khi cha mất, ông chọn Tân An làm nơi lập nghiệp. Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông, Tiền Giang ngày nay).
Năm 1848, ông bắt đầu chiêu mộ những nông dân lưu tán quanh vùng, bắt tay khai hoang lập ấp. Năm 1850, ông đứng ra lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công) và được triều đình Huế phong chức Phó quản cơ, rồi Quản cơ, hàm chánh Lục phẩm. Từ đây, nhân dân trong vùng thường gọi ông với tên thân mật Quản Định.
Trương Định – Thủ lĩnh chống Pháp (1859 – 1864)
Năm 1859, Gia Định bị Pháp chiếm. Ngay lúc đó Trương Định đã đem nghĩa binh của mình lên đóng quân ở Gia định. Ông đã lập được nhiều chiến công trên phòng tuyến từ Gò Cây Mai đến Thị nghè và các trận đánh ở trung tâm Sài Gòn.
Năm 1860 ông trở về Gò Công, sẵn sàng lực lượng được phong chức phó lãnh binh Gia Định.
Năm 1862, ông được triều đình điều về An Giang. Tuy nhiên, ông đã chống lại lệnh của triều đình ở lại Gò Công cùng nhân dân kháng chiến. Trong tình thế ấy chính nhân dân và nghĩa quân đã tôn Trương Định làm Bình Tây Đại Nguyên soái.
Năm 1863, nghe tin Gò Công thất thủ, ông trở về và khởi binh. Tại Gò Công ông tiến hành bố trí pháo đội trên tất cả con rạch dẫn tới sông và đất nơi ông đang chiếm đóng. Tàu tuần của Pháp cũng không nằm ngoài sự chống phá của ông.
Ngày 22/2/1863, quân địch dưới trướng Chaumont từ Sài Gòn kéo xuống. Sáng 26/2 quân Pháp tiến về Trại Cá. Ngay lúc này, Trương Định hiểu ý giặc đã bố trí phục kích và di chuyển toàn bộ lực lượng ra Quy Nhơn.
Ngày 25/9/1863, Pháp tấn công Quy Nhơn sau thời điểm nhận được mật báo. Nghĩa quân Trương Định dũng cảm chiến đấu thoát khỏi vòng vây trở về Gò Công.
Ngày 19/8/1864 Bình Tây đại nguyên soái – Trương Định hi sinh sau sự đuổi bắn của địch. Hay tin ông tuẫn tiết, vua Tự Đức sai truy tặng ông phẩm hàm. Năm 1871, lại cho lập đền thờ ông tại Tư Cung (Quảng Ngãi).
Lăng mộ Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định ở đâu?
Thương tiếc người anh hùng, nhân dân đã mang thi hài ông về an tán rất trọng thể và xây dựng đền thờ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia ngày 6/12/1989.
Năm 1995, tượng đài Trương Định được xây dựng tại thị xã Gò Công.
Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra tại đây các ngày 19 – 20/ 8 dương lịch hàng năm và trở thành ngày hội của nhân dân trong vùng.
Đền thờ Trương Định ở Tịnh Khê, Quảng Ngãi
Khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy cuộc khởi nghĩa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1859 – 1864), nhưng đã để lại ý nghĩa trên nhiều mặt. Cuộc khởi nghĩa Trương Định là tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa về sau.
Năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân và để tỏ lòng tri ân người anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn, huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng lại đền thờ Trương Định để làm nơi hương khói, thờ phụng người anh hùng. Đền thờ gồm các hạng mục: đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà bia ghi công, sân hành lễ, đường nội bộ,…
Năm 2014, Di tích lịch sử Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Hằng năm, đền thờ đón khoảng 9.000 lượt khách đến viếng hương và tham quan, tìm hiểu về lòng yêu nước và sự nghiệp đấu tranh giữ nước, chống giặc ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Trương Định.
Hằng năm, vào khoảng ngày 17-19.8, Sở VH-TT&DL tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Những tuyên bố hùng hồn của người con đất Quảng – Trương Định
Tuyên bố của Trương Định trong thư trả lời thư dụ hàng của tướng Pháp Bonard vào cuối năm 1862:
“Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta.”
Ông trả lời Phan Thanh Giản về việc bãi binh chống Pháp:
“Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm…”
Tuyên bố của Trương Định gửi các quan ở Vĩnh Long, để tỏ ý ly khai với Nam Triều (vì sau hòa ước Nhâm Tuất, vua Tự Đức ra lệnh ông phải bãi binh) vào tháng 2 năm 1863:
“Muốn trở lại y như xưa, dân chúng ba tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa, chúng tôi không thể làm gì được khác. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu vào hướng Đông cũng như hướng Tây, chúng tôi chống đối và chiến đấu. Chúng tôi sẽ đánh ngã bọn giặc cướp…”
“Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng, khi ta thiếu tất cả sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta.”
Hịch của Trương Định (tháng 8 năm 1864):
“Lòng dân đã muốn ta lên làm nguyên nhung ba tỉnh, ta trông vào lòng dân yêu thương không phai lạt của mọi người đối với ta. Thế là xong bất dung tha giặc cướp.”
Trương Định là võ quan Triều Nguyễn, là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859 – 1864 trong lịch sử Việt Nam. Ông là người tài năng, bản lĩnh và yêu nước. Ông được nhân dân cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng kính trọng và biết ơn. Viết về Trương Định, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có câu:
“Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn”
Cảm ơn các bạn theo dõi và đừng quên cập nhật các bài viết hay của TopQuangNgai tại Fanpage nhé!
Nguồn: Topquangngai.vn/ baotanglichsu.vn
0 Comments