Lê Trung Đình là nhân vật của nhiều giai thoại được lưu truyền trong dân gian, được chép lại trong sử sách. Ông được biết đến là một chí sĩ yêu nước đã khởi động cho phong trào Cần Vương sau khi kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Ông thuộc trong số những người mà tên tuổi trường tồn cùng sông núi miền Ấn Trà.
Xuất thân của chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình
Phần mộ chí sĩ Lê Trung Đình (Phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi)
Lê Trung Đình hiệu là Long Cang (1857-1885), là người làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay là phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ông được sinh ra trong một gia đình khoa bảng, là con thứ 6 trong một gia đình gồm 10 người con. Cha ông là Cử nhân Lê Trung Lượng, nổi tiếng thanh liêm và cương trực, từng giữ chức Án sát Bình Thuận dưới triều Tự Đức.
Với tư chất thông minh và tiếp thu nề nếp giáo dục chu đáo từ gia đình, năm 15 tuổi Lê Trung Đình đã làu thông kinh sử và nổi tiếng về tài năng văn chương. Ông theo học Tú tài Phan Thanh – một ông thầy hay chữ, đạo cao đức cả ở địa phương lúc bấy giờ, tác giả bài “Lụt bất quá” được truyền tụng. Ông cũng được thọ giáo với Án sát Nguyễn Duy Cung – một tấm gương tận trung báo quốc, người để lại trong dòng văn thơ yêu nước một thuở áng văn chiêu gọi hồn nước “Huyết lệ tâm thư” bền vững với năm tháng.
Được tiếp cận những tấm gương sáng như cha và thầy; Lê Trung Đình sớm trở thành một người có lòng yêu nước, thương dân, ghét áp bức, bất công và sở hữu tính cách rất công minh chính trực.
Sự nghiệp của cụ Lê Trung Đình
Khoa Giáp Thân (1884), ông thi đỗ cử nhân tại trường thi Hương ở Bình Định. Thời điểm nào cũng là giai đoạn thực dân Pháp từng bước áp đặt chủ quyền trên lãnh thổ Việt Nam, nội bộ triều đình nhà Nguyễn rối ren, chia thành 2 phái: Phái chủ hòa đã đầu hàng, ký hòa ước, dâng nước ta cho giặc; phái chủ chiến phò vua Hàm Nghi trẻ tuổi mới lên ngôi, kiên quyết chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Vận nước đang lâm nguy, Lê Trung Đình cùng các sĩ phu khác bí mật tổ chức hai đội quân là Đoạn Kiệt và hương binh. Đồng thời nhanh chóng xây dựng chiến khu ở Tuyền Tung (huyện Bình Sơn) chuẩn bị đối phó với quân Pháp xâm lược. Sau đó, nhận lệnh Tham biện Sơn phòng Nghĩa-Định Nguyễn Duy Cung, Lê Trung Đình cùng Nguyễn Bá Loan (huyện Mộ Đức) ra Huế gặp người đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết để nhận lệnh phối hợp hành động và Lê Trung Đình được cử làm Chính quản hương binh.
Ngày 5/7/1885, cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế thất bại, Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần Vương (13/7/1885). Ngay sau khi nghe tin vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Lê Trung Đình cùng với các cộng sự là Nguyễn Tự Tân (huyện Bình Sơn), Nguyễn Tấn Kỳ (huyện Bình Sơn), Nguyễn Bá Loan kéo quân về tỉnh thành, đòi cấp vũ khí, lương thực để cùng nhau chống Pháp. Nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ đã hèn nhát chối từ.
Trước tình hình đó, Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh khác tập hợp khoảng ba ngàn hương binh tại khu vực bãi sông Trà Khúc (phía tả ngạn, trước đền Văn Thánh). Sau khi làm lễ tế cờ, cả đoàn quân nhanh chóng vượt sông, tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi.
Tráp đựng nghiên bút (Di vật của Chí sĩ Lê Trung Đình)
Sau đó, hương binh Quảng Ngãi nhanh chóng đánh chiếm tỉnh thành, bắt giữ các quan lại; thả tù phạm; thu ấn triện; binh khí và tiền lương; thả tù phạm do chính quyền thân Pháp bắt giam; ra lệnh chiêu an bá tánh, bổ nhiệm các chức vụ mới của chính quyền địa phương như: Thống đốc, tham tán, đề đốc, lãnh binh và đưa Tuy lý viên Miên Trinh (một người dòng dõi trong hoàng tộc) làm Phụ chính Quốc vương, nhằm làm sáng tỏ mục đích chính nghĩa (giúp vua, cứu nước) của mình; triển khai tổ chức phòng thủ tỉnh thành rồi phát động phong trào Cần Vương trong toàn tỉnh.
Nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được vài ngày, vào ngày 16/7/1885, quyền Tiễu Phủ sứ Sơn phòng Nghĩa-Định bấy giờ là Nguyễn Thân (trước theo Nghĩa hội Quảng Ngãi, sau theo Pháp) cùng Đề đốc Đinh Hội đem khoảng 900 biền binh tiến về tỉnh thành mở cuộc vây đánh.
Sau khi quân triều giết chết Nguyễn Tự Tân và sáu viên chỉ huy khác thì bắt được Lê Trung Đình. Quân triều đã tốn khá thời gian và công sức để dụ hàng Lê Trung Đình nhưng vẫn không thành. Ngày 23/7/1885, Lê Trung Đình bị triều đình thân Pháp đem ra xử chém tại góc phía Bắc thành Quảng Ngãi.
Cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình để lại dấu ấn không phai mờ trong những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam
Sự hy sinh của chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình để lại bao tiếc nuối cho nhiều người. Đây chính là cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong phong trào văn thân Cần Vương ở miền Trung, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu, bảo vệ quê hương, Tổ quốc, trước họa mất nước bởi sự xâm lăng của thực dân đế quốc và mang tính chất nhân dân rõ nét.
Tinh thần khảng khái, bất khuất của Lê Trung Đình và các sĩ phu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa mãi là niềm tự hào, cổ vũ, động viên phong trào yêu nước chống ngoại xâm, áp bức, bất công của nhân dân Quảng Ngãi liên tục diễn ra trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và những năm về sau lên tầm cao mới. Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình đã để lại dấu ấn không phai mờ trong những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Bài thơ tuyệt mệnh “Lâm hình thời tác” do cụ Lê Trung Đình để lại
Lê Tự Đường – nơi thờ tự Lê Trung Đình và tiền nhân tộc Lê Phú Nhơn
Ông Lê Trung Đình mất, để lại bài thơ tuyệt mệnh Lâm hình thời tác:
“Kim nhật lung trung điểu
Minh triêu trở thượng ngư
Thử thân hà túc tích
Xã tắc ai kỳ khu”
Hoàng Tạo dịch:
“Nay là chim trong lồng
Mai đã cá trên thớt
Thân này tiếc gì đâu
Gian nan tình đất nước”
Hiện nay lăng mộ của Lê Trung Đình được nhân dân xây dựng tại phường Trường Thọ Đông, thành phố Quảng Ngãi. Bia mộ có đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi công lao của ông. Dịch nghĩa như sau:
“Cứu quốc cần vương, thương hải vi điền Tinh Vệ hận, Điếu dân thảo tặc, tinh thần bất tử sĩ phu hoài”.
Mộ cụ Lê Trung Đình ở đâu?
Di tích lịch sử Mộ cụ Lê Trung Đình, thuộc xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi)
Sắp tới, Công ty 577 sẽ cải tạo lại Mộ cụ Lê Trung Đình
Sau khi được trùng tu, tôn tạo đồng bộ, phần lớn Di tích lịch sử Mộ cụ Lê Trung Đình sẽ có giới cận tiếp giáp với công viên X3.02 mở rộng thuộc dự án Khu dân cư Sơn Tịnh nên công trình sẽ được bổ trợ thêm mảng xanh, tiện ích công cộng. Đồng thời, cùng với lối vào di tích từ hướng Quộc lộ 1 hiện hữu, sẽ có thêm một lối vào được đấu nối trực tiếp với đường nội bộ của công viên để tạo sự thuận tiện cho người dân mỗi khi thăm viếng, dâng hương.
Di tích lịch sử Mộ của ông Lê Trung Đình đã được phục chế và trở nên lộng lẫy
Sau khi nhận được khoản đầu tư 8,2 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy, di tích lịch sử Mộ cụ Lê Trung Đình tại xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi đã được tôn tạo một cách khang trang và rộng rãi. Công trình bao gồm nhà lưu niệm, công viên cây xanh, và các công trình phụ trợ khác. Hầu hết các phần công trình đã được hoàn thành với sự tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Trong quá trình xây dựng, mộ chính của cụ được bảo quản cẩn thận, bia mộ cũ đã được tháo rời và chuyển đến nhà lưu niệm. Công trình được nâng cao 5m so với mặt đường Quốc lộ 1A bằng vách ngăn bê tông cốt thép và cát sông rửa sạch. Nhà mộ mới được xây trên nền mộ cũ, với kết cấu chắc chắn và không gian thoáng đãng.
Diện tích nhà lưu niệm là 118m2, cao 7,8m, với mái lợp ngói và cửa gỗ tự nhiên, nhằm mục đích trưng bày tư liệu và hiện vật về cuộc đời của cụ Lê Trung Đình. Phía sau nhà lưu niệm là nhà vệ sinh 30m2, cao 4,65m. Ngoài ra, khuôn viên còn được trang bị hệ thống điện chiếu sáng và thoát nước, cây đa cổ thụ và thảm cỏ.
Trước khi tôn tạo, di tích này có cao độ thấp hơn Quốc lộ 1A khoảng 5m, với phần mộ chính 4,5×8,5m, tường rào xung quanh 20x25m, và bia tưởng niệm bằng đá granite. Tuy nhiên, do xuống cấp, một số hạng mục đã hư hỏng và không còn phù hợp với quy hoạch chung.
Sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy, sự đồng ý của chính quyền và nguyện vọng của gia đình cụ Lê Trung Đình cùng kiến nghị từ CLB Lê Trung Đình đã thúc đẩy quá trình tôn tạo. Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, Ông Nguyễn Văn Anh, cho biết dự kiến công trình sẽ được hoàn thành và bàn giao trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi bài viết, đừng quên truy cập website và fanpage của chúng tôi thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin, kiến thức hữu ích và có giá trị nhé.
Nguồn: Tổng hợp
0 Comments