Nhà thơ Tế Hanh là người anh cả thơ ca hiện đại Quảng Ngãi. Tế Hanh là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến, cùng với Nguyễn Vỹ, Bích Khê đã góp thành ba thi nhân Quảng Ngãi nổi tiếng trước năm 1945. Chất liệu làm nên thơ ông là những gì rất đỗi quen thuộc, cùng với… tình yêu không tuổi,…
Giới thiệu khái quát về nhà thơ Tế Hanh
Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh. Ông sinh ngày 20/06/1921 tại làng vạn chài Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha của ông là Trần Tất Tố, theo nghề dạy học và bốc thuốc.
Tế Hanh có 4 anh em, trong đó, người em út là Giáo sư – nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Thuở nhỏ, Tế Hanh học trường làng, trường huyện. Về sau, ông theo học tại trường Quốc học Huế.
Ông sáng tác thơ từ sớm và tham gia phong trào Thơ Mới với tập Nghẹn ngào (1939), nhận giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn.
Tháng 8/ 1945, ông tham gia Việt Minh, trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng.
Năm 1947, ông làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung Bộ.
Năm 1948, ông tham gia Ban phụ trách Liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ và là Ủy viên thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu V, được nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tặng cho tập thơ Nhân dân một lòng (1953).
Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông tham gia Ủy viên thường vụ Hội khoá I, II; Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội NHà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986)…
Bên cạnh hoạt động sáng tác, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết giới thiệu, phê bình văn học. Với những đóng góp xuất sắc của mình cho nền thơ cách mạng, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I (1996)…
Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Tế Hanh
Đóng góp về văn học của Tế Hanh được chia thành hai giai đoạn lớn: trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.
- Giai đoạn trước Cách mạng, thành tựu thơ Tế Hanh chủ yếu gắn với phong trào Thơ Mới.
- Giai đoạn sau tháng Tám 1945, sự nghiệp văn học của Tế Hanh rộng mở với cả sáng tác, dịch thuật và viết phê bình. Sau năm 1945, ông bền bỉ sáng tác phục vụ cách mạng và kháng chiến; luôn hướng ngòi bút về nỗi nhớ thương tha thiết quê hương miền Nam và niềm khao khát Tổ quốc được thống nhất.
Trước cách mạng Tháng 8/1945
Có thể nói rằng, Tế Hanh là một “bông hoa nở muộn” trên thi đàn Thơ Mới. Thơ Tế Hanh hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất và tình cảm. Hàng loạt những bài như Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ may đã ghi lại dấu ấn của một trái tim nhân hậu phảng phất những nỗi buồn trong trẻo.
Đặc biệt, trong thời kỳ này, nhà thơ Tế Hanh đã mang đến cho độc giả các bài thơ về làng chài với dòng sông, biển cả,… Tuổi trẻ với tình cảm hồn nhiên của mình, ông đã cảm nhận vẻ đẹp và sức sống bền vững của quê hương qua những hình ảnh thơ đẹp, giàu sáng tạo: Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng – Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
Và Quê hương là một bài thơ toàn bích được cấu tạo nên bởi hương vị mặn mòi của làng quê, bởi tuổi trẻ giàu yêu thương và khát vọng. Nỗi buồn trong thơ Tế Hanh không phải là nỗi buồn của cô đơn, mà đó là nỗi buồn về thân phận đất nước với ngập tràn những nỗi khổ đau như chính những toa tàu chở đầy đau thương trằn mình trong đêm trường nô lệ.
Sau cách mạng Tháng 8/ 1945
Từ bước ngoặt lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thơ Việt Nam đã phát triển với một nhịp độ nhanh chóng, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và hình thức. Sự chuyển biến ấy được thể hiện một cách cụ thể và sinh động trong hàng loạt các sáng tác của các nhà thơ thời kỳ này.
Nhà thơ đã để lại được trong tập thơ đầu tay những hình ảnh cụ thể và da diết của những cánh buồm, dòng sông, con đường quê, sân ga… Bài thơ của ông viết về quê hương lấy chính tên Quảng Ngãi làm đầu đề với lời thơ, điệu thơ hoàn toàn khác trước, để biểu đạt một cảm xúc mới – gân guốc, một nhận thức mới – cách mạng, theo cách cảm, cách hiểu riêng của tác giả.
Là nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc, Tế Hanh luôn hướng về quê hương. Có thể nói, những bài thơ của Tế Hanh về đề tài quê hương được xếp vào những bài thơ hay nhất, thành công nhất như: “Nhớ con sông quê hương”, “Mặt quê hương”, “Nói chuyện với sông Hiền Lương”, “Chiêm bao”…
Tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam – Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: “Lòng miền Nam” (1956), “Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Khúc ca mới” (1966), “Ði suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973)…
Bên cạnh sáng tác thơ, Tế Hanh còn là dịch giả xuất sắc, có những đóng góp quan trọng nối nền thơ thế giới với nền thơ dân tộc.
Cũng cần ghi nhận những đóng góp quan trọng của Tế Hanh trong hoạt động phê bình, nhận diện nền văn học hiện đại, đặc biệt nền thơ thế kỷ XX. Trên thực tế, phải đến thời kỳ sau 1954, Tế Hanh mới bắt tay vào viết phê bình. Sau khoảng nửa thập kỷ, ông đã có tập tiểu luận, phê bình Thơ và cuộc sống mới (1961) gồm tròn 10 mục bài.
Hồn thơ Tế Hanh có gì đặc biệt?
Thơ Tế Hanh mang giọng điệu dung dị, khiêm nhường, không rực rỡ, tân kỳ, không bất ngờ, ào ạt. Thơ ông cũng như con người ông, nhỏ nhẹ và mực thước, vừa đủ để tạo nên dấu ấn riêng.
Những sáng tác của ông dễ đi sâu vào lòng người cũng chính bởi sự gần gũi và đồng cảm. Trong số khối lượng tác phẩm mà ông để lại, ông đã tạo ấn tượng khó quên trong lòng người đọc với bài thơ “Quê hương”. Nếu đã trót yêu hồn thơ của Tế Hanh, chúng ta sẽ yêu luôn cả những dòng sông và những kỷ niệm mà ông từng gắn bó.
Tế Hanh mang vào trong thơ cái chân thành, trong sáng, giản dị mà tinh tế của tình yêu quê hương, rồi được nới rộng thêm, nâng lên thành tình yêu đất nước.
Gần một thế kỷ sống và sáng tạo, nhà thơ Tế Hanh thật sự ghi một dấu ấn quan trọng vào nền thơ Việt Nam hiện đại. Nhắc đến Tế Hanh, tất cả chúng ta đều nhận ra rất rõ: Thơ ông hiền hòa, tươi mát như làng Đông Yên quê hương, trong vắt như con nước sông Trà Bồng luôn xuôi chảy một dòng.
Về thăm quê hương Quảng Ngãi của nhà thơ Tế Hanh
Cách trung tâm TP.Quảng Ngãi hơn 25km, xã Bình Dương (Bình Sơn) – nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Tế Hanh, bình yên đến lạ.
Giờ đây, xã Bình Dương ngày càng thay da đổi thịt, nhưng nét mộc mạc, tự nhiên, chân chất của xóm làng, của con người như trong lời thơ của Tế Hanh thì vẫn vẹn nguyên như xưa.
Vẫn còn đó lũy tre làng soi bóng trên sông; những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, thả những cánh diều uốn lượn trên nền trời xanh, và còn đó chiếc cầu tre gõ nhịp yên bình…
Các tác phẩm của nhà thơ Tế Hanh không chỉ chinh phục thế hệ sau bằng niềm riêng bản quán máu thịt, mà còn khiến người ta say đắm bởi những câu thơ tình: “Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ…”. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và đừng quên cập nhật các bài viết hay của chúng tôi tại Fanpage: Top Quảng Ngãi nhé!
Nguồn: Topquangngai.vn/ baoquangngai.vn/ vanhoavaphattrien.vn
0 Comments