Có thể bạn chưa biết, nhạc sĩ Trần Thế Bảo là em ruột của nhà thơ nổi tiếng Tế Hanh. Ông là người có cống hiến lớn cho nền âm nhạc Việt Nam với nhiều ca khúc dạt dào tình quê hương và những ca khúc vui nhộn dành cho thiếu nhi. Để tìm hiểu rõ hơn về người nhạc sĩ tài hoa này mời bạn theo dõi bài viết sau đây của TopQuangNgai.
Sơ lược về tiểu sử nhạc sĩ Trần Thế Bảo
Nhạc sĩ Trần Thế Bảo sinh năm 1937 tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là em út của nhà thơ Tế Hanh. Cuối 1954 ông theo Đoàn văn công Liên khu V tập kết ra Bắc và đến năm 1956 học trường âm nhạc, môn Contre Basse với nhạc sư Nguyễn Xuân Khoát.
Năm 1959, ông được giữ lại làm giảng viên trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam. Năm 1980 – 1991, ông làm Trưởng khoa Sáng tác, lý luận, chỉ huy nhạc viện TP. HCM. Ông cũng đã trải qua nhiều chức vụ như: Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP. HCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sóng nhạc, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam…
Trong vai trò là một nhà nghiên cứu, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách hay như: Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam – Giải nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2011; Cảm nhận Mỹ học – Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2013; Lịch sử âm nhạc Việt Nam – Giải nhất hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017.
Sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Thế Bảo
Suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Thế Bảo đã có nhiều cống hiến to lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Không chỉ sáng tác nhạc quê hương, các bài hát về thiếu nhi; người nghệ sĩ này còn cho ra đời những tập sách có giá trị liên quan đến lĩnh vực âm nhạc.
Những ca khúc dạt dào tình quê của nhạc sĩ Trần Thế Bảo
Từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, những người yêu âm nhạc không thể nào quên đến bài hát “Hỡi dòng sông Trà” của nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Đây là ca khúc thấm đẫm chất liệu của điệu hò Bình Sơn, cùng với ca từ mộc mạc giàu cảm xúc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Đoạn đầu của ca khúc nhẹ nhàng, tha thiết đưa người nghe trở về với những kỷ niệm thật bình dị, nhớ thương của người đi xa. Để rồi đoạn sau (điệp khúc) vút cao, cháy bỏng nỗi lòng ở hai miền nhớ thương. Đoạn kết của ca khúc như một lời tâm tình, nhắn nhủ da diết.
“Hỡi dòng sông Trà” là một trong những ca khúc hay nhất viết về quê hương núi Ấn – sông Trà. Nhạc sĩ Trần Thế Bảo còn gửi lòng mình về với miền quê qua nhiều ca khúc như: “Tráng ca Hải đội Hoàng Sa”, một khúc tráng ca đã trở thành bài hát truyền thống của người dân huyện đảo Lý Sơn.
Hay sáng tác về sự đổi thay trên quê hương Quảng Ngãi với nhịp điệu tươi trẻ như: “Thành phố bên dòng sông Trà”, “Mùa xuân Dung Quất”. Với đề tài miền núi ông có bài “Tình yêu có đôi cánh bay” (phát triển chất liệu âm nhạc Hrê)… Bên cạnh đó, ông cũng đã viết về nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Bình Dương (Bình Sơn) qua các bài hát: “Tự hào quê hương Bình Dương”, “Mùa cá, mùa lúa Bình Dương”…
Những bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Trần Thế Bảo
Với tâm hồn luôn hướng về nghệ thuật và những trải nghiệm cuộc đời sâu sắc, nhiều bài hát về thiếu nhi của nhạc sĩ Trần Thế Bảo không chỉ giai điệu sôi nổi, hồn nhiên mà thấm đẫm nhiều “ý đồ” trong lời ca lẫn tiết tấu.
Ông tâm sự: “Tôi viết về thế giới tuổi thơ nhưng luôn lồng vào những thông điệp dành cho cả người lớn. Như bài Em yêu ong kiến, tôi viết: “Em yêu ong kiến/Lao động hăng say/Em yêu ong kiến/Lao động suốt ngày/Việc hôm nay chớ để ngày mai/Việc làm xong cuộc đời vui thay… Thông qua ca khúc này, tôi muốn đề cao vai trò của lao động trong xã hội, qua đó giáo dục các cháu tinh thần yêu lao động, hăng say lao động để đóng góp cho gia đình, xã hội.
Bên cạnh đó, bài hát này tôi cũng bày tỏ sự động viên đối với người lớn, mong ai cũng tìm thấy niềm vui trong lao động để cuộc đời thêm vui”. Hay như bài Xin lỗi và cảm ơn, nhạc sĩ Trần Thế Bảo kỳ vọng thông qua âm nhạc, các em hình thành được những kỹ năng sống cơ bản là biết nói lời xin lỗi, cảm ơn để trở thành những em bé ngoan.
Không dừng lại ở thế giới trẻ em, nhạc sĩ Trần Thế Bảo còn muốn nhắc nhớ người lớn trong cuộc sống hiện đại vội vã, đừng nên bỏ qua và lãng quên lời xin lỗi, cảm ơn để góp phần xây dựng, gìn giữ những mối quan hệ xung quanh ngày càng tốt đẹp. Nhạc sĩ Trần Thế Bảo còn mượn những “tích xưa” để răn dạy trẻ về lòng tham lam qua ca khúc Khế chín vàng; hay giải thích để các em hiểu thêm về lợi ích của ăn uống lành mạnh, khoa học như bài Ngỗng ăn chay.
Tác phẩm nghiên cứu của nhạc sĩ Trần Thế Bảo
Nói về các công trình nghiên cứu của mình, Nhạc sĩ Thế Bảo cho biết: Khi biên soạn cuốn Lịch sử âm nhạc Việt Nam, ông đã cố gắng “soạn ngày, soạn đêm” với tình yêu tha thiết dành cho âm nhạc. Cuốn sách dày 514 trang, phản ánh đầy đủ các giai đoạn lịch sử âm nhạc nước nhà, được chia làm bốn phần, với 12 chương. Trước đây, đã có nhiều sách, tài liệu nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam được xuất bản, nhưng chưa có sách nào phản ánh bao trùm toàn bộ thời gian lịch sử âm nhạc Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay.
Nhạc sĩ Trần Thế Bảo cho rằng, các nhà nghiên cứu âm nhạc trước đây biên soạn sách lịch sử âm nhạc, thường chú trọng đến sự kiện mà ít đề cập đến nhân vật. Sách Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã khắc phục được điều đó, bởi theo nhạc sĩ, con người làm nên lịch sử âm nhạc, có vai trò chủ xướng tác động lên giai đoạn lịch sử âm nhạc.
Ngoài các tác phẩm nghiên cứu, nhạc sĩ Trần Thế Bảo cũng đã viết nhiều tác phẩm dành cho khí nhạc như: Concerto cho piano và dàn nhạc; Concerto cello và dàn nhạc; Giao hưởng thơ Rừng sác; Bản Giao hưởng Thăng Long; Đại hợp xướng Trở lại Trường Sơn và nhiều tác phẩm khí nhạc khác đã đoạt các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Ngoài ra, ông có khoảng 300 ca khúc tuyển 2 tập “Gửi gió đưa hương”. Với nhiều cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, bốn tác phẩm của ông gồm: Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam (sách); Concerto Piano và dàn nhạc nhỏ (khí nhạc); Conceto cho Violoncelle và dàn nhạc giao hưởng (khí nhạc); và ca khúc Nửa đêm được tặng Giải thưởng Nhà nước trong đợt 1/2017.
Nhận xét về nhạc sĩ Trần Thế Bảo, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Ngãi chia sẻ: “GS.TS. Nhạc sĩ Thế Bảo không chỉ là người đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ trong cả nước, mà anh còn rất tâm huyết trong việc đào tạo nhiều lớp nhạc sĩ ở quê hương Quảng Ngãi. Nhiều thế hệ nhạc sĩ ở Quảng Ngãi trưởng thành, có nhiều ca khúc hay về tình yêu, về quê hương, đất nước một phần nhờ vào công chỉ bảo của ông trong nhiều trại sáng tác mở tại quê hương núi Ấn – sông Trà…
Dù việc nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc là chính, nhưng anh cũng thường xuyên sáng tác và có nhiều tác phẩm hay viết về quê nhà Quảng Ngãi như “Hỡi dòng sông Trà” – da diết, dịu dàng; hay “Khúc tráng ca Hải đội Hoàng Sa” – mạnh mẽ, mang hơi thở hùng hồn của lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Giáo sư nhạc sĩ Trần Thế Bảo còn có một người anh ruột là nhà thơ nổi tiếng Tế Hanh – tác giả bài thơ Nhớ con sông quê hương. Khi nói về người anh thân thiết của mình, nhạc sĩ Trần Thế Bảo ngậm ngùi: “Anh Tế Hanh dù là nhà thơ nhưng đam mê âm nhạc và cũng quan tâm đến âm nhạc. Tôi cũng đã phổ nhạc bài thơ Vườn xưa và Cơn bão của anh, anh rất thích hai ca khúc này. Bài Vườn xưa còn là cả thế giới tuổi thơ và tình yêu quê hương của chúng tôi gửi gắm ở lại”.
Các giải thưởng nhạc sĩ Trần Thế Bảo đạt được
Nhạc sĩ Trần Thế Bảo từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sóng nhạc, Phó tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam… Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách như: Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam (giải nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2011); Cảm nhận Mỹ học (giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2013); Lịch sử âm nhạc Việt Nam (giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017)… Với nhiều cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, ông đã được tặng giải thưởng Nhà nước năm 2017.
Tóm lại, nhạc sĩ Trần Thế Bảo không chỉ là niềm tự hào của quê hương Quảng Ngãi mà còn là người có sức ảnh hưởng lớn của nền âm nhạc nước nhà.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết của TopQuangNgai và hẹn gặp lại lần sau tại website hoặc fanpage của chúng tôi!
Nguồn: Tổng hợp Internet
0 Comments