Phong Trào Cần Vương Ở Quảng Ngãi (1885 – 1896)


“Phong trào đấu tranh của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi. Từ cuối năm 1884 đến đầu năm 1885, các đội hương binh ở Quảng Ngãi đã hình thành dưới sự lãnh đạo của Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân. Hai ông lấy Tuyền Tung làm chiến khu, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân sĩ và nhân dân, kể cả một số binh lính đóng trong thành Quảng Ngãi. Ngày 13/7/1885, ngay sau khi tiếp nhận chiếu Cần Vương, Lê Trung Đình cùng Nguyễn Tự Tân nhanh chóng tập hợp dân binh, kêu gọi mọi người đứng lên phò vua, cứu nước. Từ Tuyền Tung và nhiều nơi khác, nghĩa quân tiến về điểm hội quân tại đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi) sau đó theo lệnh Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân chia làm 3 mũi đánh chiếm thành Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Cần Vương bị thất bại. Chánh tướng Lê Trung Đình bị bắt, phó tướng Nguyễn Tự Tân hy sinh tại trận.” Tóm tắt

Phong Trào Cần Vương Ở Quảng Ngãi (1885 - 1896)

PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG Ở QUẢNG NGÃI

  1. Cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình mở đầu phong trào hưởng ứng Chiếu Cần Vương ở Quảng Ngãi

Ngay sau khi nhận chủ trương Cần Vương cứu nước của phe chủ chiến ban bố vào trưa 5/7/1885, sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi liền hưởng ứng. Ngày 13/7/1885, Lê Trung Đình cùng Nguyễn Tự Tân đã tranh thủ thời cơ đem 3000 hương binh phối hợp với một số quan lại yêu nước đánh chiếm tình thành Quảng Ngãi trước thái độ do dự đầu hàng của các quan lại đầu tỉnh nhằm thành lập chính quyền kháng chiến, loại trừ bọn quan lại đầu hàng, xây dựng cơ sở cho việc chống Pháp lâu dài. Đồng thời với việc gạt bỏ quan lại hèn nhát, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tiến hành “sát tả”. Ngày 17/7/1885, Nguyễn Thân phản bội, đem quân sơn phòng đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa do Lê Trung Đình lãnh đạo có ý nghĩa rất to lớn. Có thể nói, phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ được mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa sớm nhất hưởng ứng dụ Cần Vương. Nó cũng đặt vơ sở cho việc xây dựng truyền thống đầu tranh yêu nước chống Pháp của nhân dân Quảng Ngãi từ 1885 đến Cách mạng Tháng Tám. Nó còn góp phần thức tỉnh những người đang bi quan về tiền đồ của đất nước, biểu lộ quyết tâm và thực hiện một phương thức hành động chống Pháp có hiệu quả: tiến hành đánh chiếm tỉnh thành, loại trừ bọn quan lại đầu hàng, chuẩn bị cơ sở chống Pháp trước khi chúng kéo đến. Tinh thần và chủ trương này phù hợp với yêu cầu chung của nhân dân cả nước, nên được hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là văn thân sĩ phu các tỉnh Nam Trung Kỳ.

Sau khi đánh bật khỏi tỉnh thành, nghĩa quân tiếp tục “sát tả”. Thực tế lịch sử trên đây đã chỉ rõ: Quảng Ngãi là một trong những nơi hưởng ứng phong trào Cần Vương sớm nhất, đồng thời cũng là nơi khởi phát hoạt động “sát tả” của phong trào này. Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng chủ yếu là nhân tố chính trị có ý nghĩa chi phối. Ngoài những tác động của yếu tố chung, tình hình riêng của địa phương cũng ảnh hưởng đến hoạt động “sát tả” ở Quảng Ngãi.

  1. Thời kỳ phát triển của phong trào Cần Vương Quảng Ngãi từ tháng 7/1885 đến giữa 1887

Cuộc đánh chiếm thành Quảng Ngãi của Nguyễn Thân đã tạo nên một tình thế mới ở Quảng Ngãi. Nguyễn Thân trở thành một thế lực nguy hiểm nhất của Nghĩa hội ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lúc bấy giờ. Phong trào Cần Vương Quảng Ngãi tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Loan. Phong trào thể hiện tính chất dân dộc và nhân dân rõ nét.

Cùng với Quảng Ngãi, việc hưởng ứng nhanh chóng chiếu Cần Vương của nhân và sĩ phu các tỉnh Trung Kỳ nói chung và các tỉnh Nam Trung Kỳ nói riêng, là mổ trong những cơ sở cho việc phối hợp liên kết chiến đấu giữa các lực lượng Nghĩa hội Quảng Ngãi với cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân và sĩ phu các tỉnh lân cận, trước hết là Quảng Nam, Bình Định. Đây là một đặc điểm, đồng thời đánh dấu bước phát triển của phong trào Cần Vương Nam Trung Kỳ. Sự liên kết chiến đấu giữa nghĩa quân Cần Vương ba tỉnh đã mang lại tác dụng to lớn:  chống chọi có hiệu quả với sự tấn công của kẻ thù, góp phần duy trì phong trào đấu tranh vũ trang ở các tỉnh trong vòng ba năm. Phòng trào Cần Vương Quảng Ngãi tồn tại khá độc lập dù có mối quan hệ khá chặt chẽ với lực lượng yêu nước các tỉnh lân cận.

  1. Phòng trào Cần Vương Quảng Ngãi kết thúc (1893 – 1896)

Trong bối cảnh chung của phong trào Cần Vương từ sau năm 1888, phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi sau một thời gian gián đoạn tiếp tục bùng nổ với cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Vịnh – Thái Thú (1894) và cuộc vận động cứu nước của Trần Du (1895 – 1896).

Đặc điểm của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Vịnh – Thái Thú là có sự liên kết với phong  trào Cần Vương ở Hà Tĩnh do Phan Đình Phùng lãnh đạo và phối hợp với lực lượng yêu nước trong quân đội triều đình để tiến hành “nội công  – ngoại kích” đánh chiếm tỉnh thành. Đối tượng đấu tranh không chỉ chĩa mũi nhọn vào bọn phong kiến tay sai mà chủ yếu vào thực dân Pháp. Tuy nhiên, do sự phối hợp không chặt chẽ nên cuộc khởi nghĩa thất bại.

Tiếp theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Vịnh – Thái Thú, Trần Du tiến hành cuộc vận động cứu nước, bí mật liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng, mở rộng cuộc vận động đến các văn thân, hào phú, binh lính, nông dân yêu nước các tỉnh lân cận. Cuộc vận động đang trên đà phát triển thì bị thực dân Pháp đàn áp.

Từ thực tiễn lịch sử phong trào Cần Vương Quảng Ngãi, chúng tôi thấy phong trào có những đặc điểm sau:

  • Quảng Ngãi là một trong những địa phương hưởng ứng sớm nhất dụ Cần Vương và kết thúc khi phong trào Cần Vương cả nước bị thất bại.
  • Thành phần lãnh đạo thuộc tầng lớp văn thân, sĩ phu lớp dưới. Nét nổi bật trong phương thức đấu tranh là sự liên kết với các lực lượng yêu nước ở các tỉnh lân cận trong chiến đấu. Đây là đặc điểm của phong trào Cần Vương Nam Trung Kỳ nói chung.
  • Đối tượng trực tiếp của phong trào Cần Vương Quảng Ngãi trong giai đoạn 1885 – 1887 là bọn phong kiến tay sai. Sự đàn đáp của kẻ thù đối với phong trào Quảng Ngãi cũng có nét riêng, do bọn phong kiến tay sai tiến hành.

Phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi dưới danh nghĩa Cần Vương là một bộ phận của phong trào Cần Vương cả nước. Ngoài những nét chung, nó cũng có những đặc điểm riêng biệt. Tuy chưa phải là phong trào mạnh nhất ở Nam Trung Kỳ, nhưng phong trào Cần Vương Quảng Ngãi không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển của phong trào yêu nước chống Pháp trong tỉnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó đã góp phần châm ngòi và khởi động cho phong trào Cần Vương nói chung, đồng thời giữ vững cho sự phát triển liên tục của phòng trào này. Mặc dù bị thất bại nhưng phong trào Cần Vương nói chung trong đó có Quảng Ngãi đã đóng vai trò là “một sợi dây nối liền giữa cuộc kháng chiến “lỗi thời” với những cố gắng có kết quả hơn vào đầu thế kỷ XX”. Phòng trào Cần Vương Quảng Ngãi đã để lại những bài học kinh nghiệm đấu tranh phong phú, nhất là những bài học về xác định mục tiêu đấu tranh, về phương thức đầu tranh, về sự tăng cường khối đoàn kết dân tộc. Điều này được thể hiện trong phong trào đấu tranh tiếp sau.

Bạn có thể đọc chi tiết: Lê Trung Đình & Phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi

Sách có tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Số ĐKCB: DCN.000793 hoặc download tại đây: DCN.000793

Nguồn: Phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi từ năm 1885 đến năm 1930, 2001
http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTbFfqzCJqeG2001.1.1

Bạn muốn đưa doanh nghiệp, cửa hàng, địa chỉ, shop,.. của mình vào bài viết này. Hoặc muốn đặt banner quảng cáo, vui lòng liên hệ: 082.2222.176 hoặc email info@topquangngai.vn



Hãy chia sẻ bài viết này nếu thấy hay!

0/50 đánh giá
157 chia sẻ, 157 điểm

0 Comments

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Send this to a friend