Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ đất nước. Cụ là người được Bác Hồ rất kính trọng đến lúc ra đi cụ được Bác tổ chức Quốc tang cực kỳ lớn. Đến năm 2012, cụ Huỳnh được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước. Sau đây TopQuangNgai mời Quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ thông qua bài viết.
Tiểu sử cụ Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm nào? Quê ở đâu?
Huỳnh Thúc Kháng hiệu Minh Viên, tự Giới Sanh. Cụ sinh ngày 01 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Cụ Huỳnh Thúc kháng từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, đạt được nhiều giàu cao trong các kỳ thi. Năm 1900, cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương (đứng đầu kỳ thi Hương) và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ. Tuy nhiên, cụ không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.
Sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng
Năm 1905, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906, trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân.
Năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, cụ lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước. Năm 1926, cụ đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông Huỳnh Thúc Kháng cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, ông từ chức. Năm 1927, ông sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân, suốt thời gian này Ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo tại Huế cho đến khi tờ báo Tiếng Dân bị đình bản (1943).
Sau cách tháng tháng 8/1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng được chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đầu năm 1946, cụ làm Chủ tịch hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Tháng 5/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước (31/5/1946-20/10/1946).
Lúc bấy giờ, cụ Huỳnh đã tham gia giải quyết nhiều công việc, góp phần quan trọng điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề về đối nội và đối ngoại theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng. Đầu năm 1947, tiếp tục hành trình đi kinh lý miền Trung, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước. Theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – “Thiên Ấn niên hà” (Ấn trời đóng xuống sông).
Ngày 29/4/1947, Chính phủ tổ chức Lễ truy điệu cụ Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức Quốc tang. Trong khi tiến hành lễ Quốc tang, Ban tổ chức lễ tang đã trang trọng uy nghiêm đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết.
Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ Quốc. Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước, vì nhà của Cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng hai mươi triệu đồng bào chúng ta”.
Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh.
Tác phẩm của cụ Huỳnh Thúc Kháng
Không chỉ là nhà cách mạng yêu nước, ông Huỳnh Thúc Kháng đồng thời là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan… Tác phẩm chủ yếu còn giữ hiện nay là:
Thi Tù Tùng Thoại
Lịch sử Phan Tây Hồ tiên sinh
Thơ văn với thời đại
Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (ký Phi Bằng)
Huỳnh Thúc Kháng niên phố
Bức thư gởi Cường Để
Và rất nhiều thơ chữ Quốc ngữ, chữ Hán có giá trị khác.
Bài thơ Bài ca lưu biệt của ông viết năm 1908, trước khi ông bị đày ra Côn Đảo, từng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời kỳ Pháp thuộc:
Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,
Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan.
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an,
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn.
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn,
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia,
Bấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già.
Nọ núi Ấn, này sông Đà,
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt.
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt,
Ngựa Tái ông họa phúc biết về đâu!
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu,
Thảy bốn biển cũng trong vòng trời đất cả.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả,
Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn.
Trăng kia khuyết đó lại tròn!
Một số hình ảnh liên quan đến cụ Huỳnh
Như vậy TopQuangNgai đã chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Hy vọng Quý bạn đọc tiếp thu được nhiều thông tin hữu ích từ bài viết của chúng tôi. Hẹn gặp lại Quý vị ở những kỳ tiếp theo!
Nguồn: Tổng hợp
0 Comments